Bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc thôn, tổ dân phố

Bài 1: Muôn kiểu thực thi

- Thứ Năm, 08/09/2022, 06:12 - Chia sẻ

Từ khi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (TDP) có hiệu lực thi hành, việc bồi dưỡng cho những người tham gia hoạt động tại các thôn, TDP có sự khác biệt. Bên cạnh những địa phương khoán kinh phí cho từng thôn, TDP theo phân loại hành chính để tự chủ, chấm công thực tế và chi trả, cũng có những địa phương ấn định trực tiếp theo chức danh và mức bồi dưỡng hàng tháng. Mức bồi dưỡng phần lớn tương đồng dao động theo mức khoán từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/người/ngày làm việc thực tế nhưng cũng có những địa phương hỗ trợ cao hơn theo mức bồi dưỡng cố định hàng tháng.

Bài 1: Muôn kiểu thực thi -0
Người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố là lực lượng chủ chốt trong tham gia trực chốt kiểm soát và là tình nguyện viên tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Bình Nguyên

Người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, TDP theo Nghị quyết HĐND các tỉnh, thành phố xác định gồm: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh; Chi hội trưởng Chi hội Nông dân; Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi; Bí thư chi đoàn; Phó bí thư chi bộ được bầu tại đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 không đảm nhận chức danh khác có quy định được hưởng phụ cấp.

Ấn định rõ mức bồi dưỡng hàng tháng

Tại Quảng Nam, việc bồi dưỡng cho những người tham gia hoạt động tại thôn, TDP sau khi Nghị định số 34 có hiệu lực thi hành được áp dụng theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, ngày 21.4.2020. Theo đó, nghị quyết ấn định rõ người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, TDP được hưởng phụ cấp và các chức danh này được mức bồi dưỡng hằng tháng bằng 300.000 đồng/người/tháng. Riêng chức danh Phó Bí thư chi bộ được bầu tại đại hội chi bộ, chỉ áp dụng đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2022.

Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng TDP; Trưởng ban Công tác mặt trận. Nghị định cũng giao thẩm quyền cho UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đi với người hoạt động không chuyên trách và mức bi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, TDP. Thực tiễn cho thấy, hoạt động của nhiều thôn, TDP gặp khó khăn khi chế độ của người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, TDP không còn được quy định rõ ràng theo từng chức danh như trước đây.

Tại Quảng Ngãi, người trực tiếp tham gia công việc của thôn, TDP được hưởng mức bồi dưỡng tối đa 500.000 đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí chi trả bồi dưỡng từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có). Tương tự như Quảng Ngãi và Quảng Nam, tại tỉnh Quảng Trị, HĐND tỉnh cũng quy định mức bồi dưỡng: Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, trên cơ sở các nguồn thu khác của các đoàn thể và khoản hỗ trợ của ngân sách, các đoàn thể chi trả bồi dưỡng tối thiểu là: 450.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 50% mức phụ cấp của Trưởng ban công tác Mặt trận nơi người đó tham gia công tác.

Trả mức bồi dưỡng theo nhiệm vụ khi cần

Tại Hà Tĩnh, khi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 258/2020/NQ-HĐND. Theo đó, những người trực tiếp tham gia công việc của thôn, TDP (chủ yếu là các chi đoàn, chi hội) không được chia nhóm nhiệm vụ và khoán phụ cấp như trước đây nữa mà khi có nhu cầu công việc được hỗ trợ mức bồi dưỡng hàng năm cho thôn, TDP để trả mức bồi dưỡng theo nhiệm vụ khi cần như sau: Thôn, TDP loại 1 được hỗ trợ 25 triệu đồng/thôn, TDP/năm; thôn, TDP loại 2 được hỗ trợ 22 triệu đồng/thôn, TDP/năm; thôn, TDP loại 3 được hỗ trợ 20 triệu đồng/thôn, TDP/năm. Mức chi bồi dưỡng từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/01 người/01 ngày huy động trực tiếp tham gia (tùy theo tính chất công việc và tình hình thực tiễn địa phương), tổng chi hỗ trợ bồi dưỡng không được vượt quá mức khoán bồi dưỡng hàng năm ấn định cho từng loại thôn, TDP.

Tại Nghệ An, thời điểm trước ngày 1.1.2020, Chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh được hưởng hỗ trợ phụ cấp hàng tháng theo Nghị quyết số 151/2014/NQ-HĐND, ngày 12.12.2014 của HĐND tỉnh. Từ ngày 1.1.2020 đến 19.12.2021, thực hiện theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND và được cụ thể hóa mức chi trả tại Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND. Theo đó, chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản không còn được hưởng hỗ trợ phụ cấp hàng tháng, thay vào đó là chuyển sang chế độ trả công khi tham gia công việc ở khối, xóm trong tổng số kinh phí khoán cho khối, xóm tổng 23 triệu đồng/năm cho cả 5 đoàn thể. Việc chi trả chế độ bồi dưỡng cho chi hội trưởng các đoàn thể khi trực tiếp tham gia công việc ở khối, xóm, bản được chấm công và chi trả trong tổng kinh phí khoán theo mức từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/1 người/1 ngày huy động làm việc.

Tại Đắk Lắk, ngân sách nhà nước hỗ trợ 15.000.000 đồng/năm đối với mỗi thôn, buôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn, buôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, buôn thuộc xã biên giới; hỗ trợ 12.000.000 đồng/năm đối với mỗi thôn, buôn còn lại và TDP. Người trực tiếp tham gia vào công việc ở thôn, buôn, TDP còn được hỗ trợ chi trả từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có). Mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, buôn, tổ dân phố bằng 0,10 lần mức lương cơ sở/người/ngày.

Tại Nam Định, mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của thôn (xóm), TDP 50.000 đồng/người/ngày làm việc thực tế. Tại Hải Phòng, mức bồi dưỡng tính theo ngày trực tiếp tham gia công việc của thôn, TDP, tối đa 80.000 đồng/người/ngày.

Song Nguyên